gdnngdtxctkg@moet.edu.vn

02973837837

Sơ kết Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em dân tộc thiểu số

Sơ kết Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em dân tộc thiểu số

Người đăng: Quản trị - Ngày đăng: 10-11-2024 09:00:12 - Lượt xem: 250


 Ngày 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị sơ kết Đề án Tăng cường tiếng Việt cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.

Trẻ em dân tộc thiểu số đến trường tăng 130.413 so với thời điểm xây dựng đề án

Ngày 2/6/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.


Quang cảnh hội nghị

Báo cáo về kết quả triển khai đề án, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) Cù Thị Thủy cho biết: Trong giai đoạn 2, từ năm 2021 đến nay, nội dung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã hỗ trợ trẻ em tốt hơn trong việc phát triển ngôn ngữ. Bộ GDĐT đã tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch của đề án, đồng thời, tổ chức tập huấn, giám sát, ban hành công văn hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện tốt đề án.

Các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp, mọi lúc mọi nơi; chỉ đạo lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ; làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 5/2024, toàn quốc có 4.913 trường mầm non, 68.720 nhóm, lớp mầm non có trẻ em là người dân tộc thiểu số. Đến thời điểm hiện tại, tổng số trẻ em người dân tộc thiểu số đến trường là 820.156 trẻ, chiếm 16,0% tổng số trẻ đến trường trên toàn quốc, tăng 130.413 trẻ so với thời điểm xây dựng đề án.

Trong đó, số trẻ em người dân tộc thiểu số tại các địa bàn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn đi học tăng 34.019 em. Số trẻ em người dân tộc thiểu số học 2 buổi/ngày tăng 111.078 em. Có 99,1% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt, tăng 36.774 trẻ so với năm 2015.